BÀI VIẾT SỐ 2 - BỘ SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG || BÀI VĂN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH ĐẶC SẮC NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT BÀI THƠ “TIẾNG ĐÀN MƯA” - BÍCH KHÊ.

Ngày 01/11/2024 17:48:47, lượt xem: 261

Bài viết số 2 - Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống sẽ yêu cầu các bạn viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học. Dưới đây là bài viết mẫu phân tích nghị luận phân tích đặc sắc nội dung và nghệ thuật bài thơ “Tiếng đàn mưa” - Bích Khê. Các bạn có thể tham khảo và linh hoạt áp dụng vào bài viết của mình.

Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận phân tích đặc sắc nội dung và nghệ thuật bài thơ “Tiếng đàn mưa” của nhà thơ Bích Khê.

 

Bài làm
Bàn về thơ Bích Khê, có nhận định rằng: “Thơ Bích Khê là kết quả đẹp đẽ của một tư duy nghệ thuật tích hợp, nhuần nhuyễn và tinh tế các yếu tố Đông, Tây trong sáng tác nghệ thuật. Bích Khê là một nhà thơ hy sinh toàn diện cho thơ.” Quả thực, chính sự “hy sinh toàn diện cho thơ” đã giúp những thi phẩm của nhà thơ Bích Khê chạm đến nếp cảm, nếp nghĩ của độc giả. Điều đó được thể hiện rõ qua đặc sắc nghệ thuật và nội dung tác phẩm “Tiếng đàn mưa”.


Đối với tác phẩm văn học, nhan đề không đơn thuần chỉ là một cái tên để mở đầu mà đó là nơi bao chứa hình tượng, nội dung tư tưởng của tác phẩm. Có thể nói, nhà thơ Bích Khê đã rất thành công khi đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Cụm từ “Tiếng đàn mưa” đa nghĩa, đó có thể là tiếng đàn cất lên trong mưa, hay tiếng mưa rơi có nhịp điệu, tiết tấu như tiếng đàn. Qua đó, người đọc như nghe được tiếng lòng, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Trước hết, nhà thơ Bích Khê đã khắc họa sinh động cảnh mưa rơi (cùng với hoa) trong trang thơ của mình:
“Mưa hoa rụng, mưa hoa xuân rụng
Mưa xuống lầu, mưa xuống thềm lan

Hoa xuân rơi với bóng dương
Mưa trong ý khách mưa cùng nước non”
Là một người có tâm hồn nhạy cảm, thi sĩ đã không cưỡng lại được trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Song hành cùng mưa là “hoa xuân rụng”, “xuống lầu”, “xuống thềm lan”, “ngoài nẻo dặm ngàn”, “nước non rả rích”, “giọng đàn”. Sự song hành ấy đã tạo nên bức tranh mưa tuyệt đẹp, đầy thi vị. Mưa rơi xuống ở bên lầu, ở thềm lan, ở ngoài nội trên ngàn và mưa còn rơi “trong ý khách”. Tiếng mưa rơi không chỉ là âm thanh của hiện tượng tự nhiên mà nó còn đồng điệu với tiếng lòng của nhân vật. Hình ảnh “bóng dương tà” cùng xuất hiện với “mưa rơi”, “hoa xuân rụng” đã tạo nên một bức tranh mặc dù thi vị, đẹp đẽ nhưng chứa đựng sự lụi tàn của thiên nhiên. Điều này đã làm toát lên khung cảnh, không gian u buồn man mác. Quả thực, sự hòa quyện hình ảnh mưa đổ, hoa rụng, bóng chiều tà, … đã tạo cho người đọc cảm nhận về một nỗi buồn mênh mang, những vẫn rất đẹp và đậm chất lãng mạn.

 

ĐỌC THÊM: VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC || PHÂN TÍCH NHỮNG ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT VÀ NỘI DUNG CỦA TÁC PHẨM “LẶNG LẼ SA PA”


Đuy Be Lây quan niệm rằng: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”. Chính vì lẽ đó, khi đến với thơ, người đọc cảm nhận được những dòng cảm xúc chân thành nhất của người thi sĩ. Và khi đọc những vần thơ cuối của tác phẩm “Tiếng đàn mưa”, người đọc cảm nhận được tâm trạng của người khách tha hương:
“Đầm mưa xuống nẻo đồi mưa xuống
Bóng dương tà rụng bóng tà dương
Hoa xuân rơi với bóng dương
Mưa trong ý khách mưa cùng nước non”
Khung cảnh mưa rơi không ngớt mặc dù “rơi hoa hết”, “tịch bóng dương” đã càng tô đậm nỗi u sầu của nhân vật trữ tình. Khi chỉ còn “bóng dương với khách tha hương” thì sự cô đơn, lạnh lẽo như đẩy lên tột cùng. Ý thơ “Mưa trong ý khách muôn hàng lệ rơi” đã thể hiện chân thực tâm trạng của người khách tha hương hòa quyện vào cảnh mưa, mưa rơi ngoài kia mà cũng như mưa rơi trong lòng. Nếu như trong ba khổ thơ đầu, “nước non” gắn với những hình ảnh đẹp nhưng đượm buồn thì ở hai câu thơ cuối “nước non” không xuất hiện trực tiếp nhưng lại được gợi nhắc qua hình ảnh “khách tha hương”. Hai câu thơ “Hoa xuân rơi với bóng dương/ Mưa trong ý khách mưa cùng nước non” như tiếp nối, hô ứng, đồng vọng, hòa nhịp với hình ảnh “non nước” trong ba khổ thơ đầu. Cảnh và tình hòa vào một trong nỗi buồn thương vô tận. Đặt vào hoàn cảnh ra đời của bài thơ (nước ta đang chịu ách đô hộ của Thực dân Pháp) thì tâm trạng buồn thương, day dứt đã thể hiện cho tấm lòng của một nhà thơ yêu nước. Tấm lòng yêu nước của nhà thơ Bích Khê dường như đồng điệu với tấm lòng của nhà thơ Huy Cận:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
(Tràng Giang, Huy Cận)
Có thể khẳng định rằng, bài thơ “Tiếng đàn mưa” của nhà thơ Bích Khê là “một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung”. Bài thơ được viết theo thể thơ song thất lục bát. Các yếu tố thanh điệu, vần, nhịp kết hợp với hệ thống từ ngữ, hình ảnh giàu sức gợi, được lặp lại nhiều lần với ý đồ riêng đã góp phần tạo tính nhạc cho bài thơ. Các biện pháp tu từ điệp từ, chơi chữ, ẩn dụ, … đã góp phần làm cho các câu thơ thêm sinh động, hấp dẫn. Qua đó, tác giả đã thể hiện thành công vẻ đẹp mong manh, tinh tế của bức tranh mưa xuân. Đồng thời, Bích Khê cũng tái hiện chân thực tâm trạng u buồn, sự cô đơn và nỗi nhớ quê hương sâu sắc của kẻ xa xứ.

 

Bằng những vần thơ đầy lắng đọng, “chín đỏ cảm xúc”, nhà thơ Bích Khê đã để lại trong lòng bạn đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Chính điều đó đã giúp tác phẩm “nằm ngoài sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết”. Và tác phẩm là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định: “Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật”.

 

ĐỌC THÊM: DÀN Ý CHUNG CHO CÁC DẠNG BÀI VIẾT LỚP 9 MỚI NHẤT

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10

Tin liên quan